Tưởng như giản dị vậy thôi mà ai ăn măng rừng Tam Đảo một lần là nhớ mãi. Vị măng thoảng hương núi rừng, nồng nồng nơi cánh mũi, mềm nhưng không bở, sần sật nhưng không dai. Mắm tôm được chế biến khá cầu kỳ: mắm tôm loại ngon pha thêm rượu 45 độ (để mắm chín), vắt chanh, đánh cho sủi bọt, thêm 2 – 3 lát ớt thật cay thơm. Đĩa măng luộc mềm xếp ngay ngắn, tròn lẳn, vàng mượt, khi ăn cầm bằng tay chấm thẳng vào bát mắm tôm cắn từng đoạn một. Nếu ai ăn bằng đũa hay dùng dao cắt nhỏ từng miếng vừa ăn thì sẽ không “đúng điệu” ăn măng Tam Đảo. Cái thú thưởng thức măng rừng phải đi kèm với ăn bốc, như vậy mới hiểu được văn hóa ẩm thực của người vùng núi.


Sau khi hái măng về, người ta phải bóc nõn, bỏ hết các lớp vỏ. ( Nguồn: Internet )

Đối với món măng chua, người dân Tam Đảo cũng bóc nõn, bỏ vỏ, ngâm nước muối, chần qua nước sôi rồi mang để vào bình to (họ thường làm một lúc số lượng lớn). Cho giấm, ớt tỏi vào theo liều lượng tùy thích của người dùng rồi để ít ngày là có thể dùng được, hơn nữa lại có thể giữ được măng thơm ngon dài ngày. Măng rừng muối chua đậm vị, thơm nồng dọn ra ăn kèm trong bữa cơm rất hợp, đặc biệt là dùng chung với thịt vịt, thịt ngan.


Măng chua là món mà du khách hay mua về để ăn và làm quà. ( Nguồn: Internet )

Người dưới xuôi khi đến thăm Tam Đảo đã được thử qua măng rừng thì ai nấy đều muốn mang vài hũ măng chua về dùng dần, vừa ăn vừa nhớ vùng đất sương mù với văn hóa ẩm thực độc đáo.