Những khuất tất trong công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng Hà Nội vừa được phát hiện có lẽ mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

Trong tháng 7/2015, Thanh tra TP Hà Nội sẽ phải phải hoàn thành việc thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước tại 17 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, 240-242 phố Tôn Đức Thắng và 35B phố Cát Linh, quận Đống Đa, báo cáo UBND TP xem xét. Đồng thời báo cáo kết quả rà soát kết luận thanh tra theo chỉ đạo của UBND TP về các địa điểm nhà đất do Công ty cổ phần xuất nhập khẩu lương thực Hà Nội đang quản lý, sử dụng (trong đó, có địa điểm 63 phố Hàng Chiếu), báo cáo UBND TP trong tháng 6/2015. Đó là thông điệp được Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh đưa ra cách đây không lâu sau khi báo chí đưa tin về một số khuất tất trong công tác quản lý, sử dụng hơn 1.000 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại Hà Nội.

Thiếu chế tài - sai mục đích?


Nếu như “hòn đất mà biết nói năng” có lẽ sẽ không phải có các cuộc thanh tra và cũng chẳng thể có những sai phạm.

Đại diện TP Hà Nội cho rằng: Đề án tăng cường công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng còn nhiều hạn chế. Nhiều nội dung, đầu mục công việc chưa hoàn thành, thậm chí có việc chưa được thực hiện, gây dư luận bức xúc trong cán bộ, nhân dân.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt không chỉ nằm ở đề án mà còn nằm ở khả năng và trách nhiệm thực thi, giám sát. Trước đó, tại kỳ họp HDND lần thứ 10 (năm 2014) khi bàn về vấn đề quản lý quỹ nhà biệt thự, ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội từng cho rằng: Nếu không có bao che, dung túng, thậm chí dối trá của các cơ quan quản lý thì chắc chắn sẽ không có nhiều biệt thự xuống cấp như hiện nay.

Xem thêm: can thue chung cu quan cau giay, thuê chung cư đống đa, cho thue nha chung cu mini quan ba dinh



Như một cách thể hiện quyết tâm, UBND thành phố phê bình Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở TNMT, Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chưa hoàn thành nhiệm vụ, yêu cầu giám đốc các đơn vị nghiêm túc kiểm điểm cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ. Hà Nội cũng thành lập Tổ công tác liên ngành để rà soát lại toàn bộ các điểm nhà chuyên dùng có vướng mắc, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng trường hợp, xây dựng quy trình, thủ tục bán đấu giá và xác định giá để bán chỉ định theo giá thị trường. UBND TP yêu cầu lãnh đạo các đơn vị tập trung thực hiện nội dung Đề án, chủ động phối hợp giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc để hoàn thành các nhiệm vụ trong quý III/2015.

Nhiều sai phạm - ít trách nhiệm

Trước đó, theo báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty, trên địa bàn TP Hà Nội, đến nay còn khoảng 200 cơ sở nhà, đất sử dụng chưa đúng mục đích được giao.Trong đó, có 60 cơ sở cho thuê, cho mượn; 5 cơ sở liên doanh liên kết không đúng quy định; 90 cơ sở bố trí làm nhà ở đan xen trong khuôn viên cần phải di dời; còn lại là các cơ sở sai phạm khác như bị lấn chiếm, bố trí cho các đối tượng khác sử dụng...

Với trường hợp hơn 1.000 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại Hà Nội bộc lộ nhiều yếu kém trong công tác quản lý, sử dụng, người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và theo tinh thần Chỉ thị số 27 của Thử tướng ngày 25/8/2014 (về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp.)

Báo cáo của TP Hà Nội và Bộ Tài chính cho biết: Trên địa bàn TP Hà Nội có 12.111 cơ sở nhà đất đã kê khai, báo cáo, trong đó có 1.493 cơ sở do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Tập đoàn, TCty nhà nước thuộc Trung ương (cơ sở thuộc TW) và 10.618 cơ sở do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc TP Hà Nội (cơ sở thuộc địa phương). Đến cuối năm 2014 đã thực hiện kiểm tra, rà soát, sắp xếp và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đối với 11.948 cơ sở, gồm 1.330 cơ sở thuộc TW; 10.618 cơ sở thuộc địa phương.

Trong bối cảnh đó, công văn hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 25/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ được Bộ Tài chính gửi tới các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước yêu cầu: Đến ngày 31/12/2014 các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải hoàn thành việc kê khai gửi cơ quan chủ quản để tổng hợp, lập phương án tổng thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trước ngày 30/6/2015 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy thời hạn cuối cùng cũng đã rất gần.

Thực ra, những khuất tất như sử dụng sai mục đích, thậm chí biến của chung thành của riêng trong việc quản lý sử dụng quỹ nhà chuyên dùng tại Hà Nội không phải bây giờ mới được nhắc tới. Đã có nhiều cuộc rà soát, thanh tra đã diễn ra trong thời gian trước đó, một vài sai phạm cũng đã được xử lý nhưng có lẽ đó như phần nổi của tảng băng chìm. Sai phạm diện rộng, nhưng dường như rất ít người chịu trách nhiệm. Đáng nói hơn những khuất tất thường xảy ra ở những vị trí đắc địa mà ai cũng có thể nhìn thấy. Chính vì vậy, bên cạnh hàng lang pháp lý, thì vấn đề giám sát và trách nhiệm thực thi phải là ưu tiên hàng đầu đối với UBND TP trong việc quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng. Bởi, nếu như “hòn đất mà biết nói năng” có lẽ sẽ không phải có các cuộc thanh tra và cũng chẳng thể có những sai phạm.